Friday, March 18, 2011

From March 19, 2006 to March 19, 2011



Vậy là 5 năm kể từ ngày cưới, một khoảng thời gian không dài cũng không quá ngắn. Có người nào đó nói rằng đại lượng thời gian cũng chỉ là tương đối.
Nếu gọi năm năm là quá ngắn thì cũng không đúng. Bởi lẽ, từ ngày ba rời VN đi học biền biệt cho tới bây giờ, mẹ và con ở nhà thiếu vắng người trụ cột, do đó suốt ngày trông ngóng chờ tin ba về. Cũng đã hai năm rồi, cảm giác thời gian của người trông chờ lúc nào nó cũng chầm chậm trôi. Vì lẽ đó, nói năm năm là ngắn ngủi thì tội cho người chờ mong.
Ngược lại, năm năm có phải là dài? Gọi năm năm là dài thì bất hợp lý. Năm năm quanh đi quẩn lại, ba cũng chẳng làm được gì để giúp mẹ và con. Nếu vậy thì gọi là dài thì lại bất công với mình. Với cường độ làm việc rất cao, ba hầu như lấy đêm làm ngày, thế nên cảm giác thời gian như vun vút bay.

Trở lại vấn đề, ngày ba cưới mẹ, mẹ cũng cảm nhận được rằng có được ba mẹ phải hy sinh nhiều thứ. Vì thế, ba phải làm mọi thứ để bù đắp lại cho mẹ. Kỷ niệm ngày cưới hôm nay, ba gạt hết tất cả những chuyện kinh tế, chính trị, xã hội, những chuyện mà ba khá to mồm, ba chỉ nói về những đổi thay tích cực cho mẹ và con vui.

Ngày qua đất nước phương tây nước mà mọi người gọi bằng country of opportunities, ba đã thay đổi nhiều về quan niệm sống. Thú thật những ngày đầu tiên đặt chân trên đất Canada, tôi thực sự choáng. Choáng không phải vì đất nước hiện đại, kiến trúc tinh tế, kinh tế phát triển, tôi choáng vì tính nhân văn sâu sắc của họ. Bởi vì những thứ gọi là hiện đại đó, ai cũng có thể làm nên được nếu cố gắng. Không xa vời, ngày ngồi trong quán cafe, tôi quan sát xung quanh với tư cách thằng dân quê lên tỉnh. Một loạt bàn lân cận, các cặp vợ chồng trẻ ngồi với nhau. Điều tôi thắc mắc, các bà vợ tây ngồi nói chuỵên huyên thuyên, các ông chồng tây ngồi ru con ngủ, pha sữa, cho con bú sữa. Quái lạ cái xứ mệnh danh là nước tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới, mà sao lại loạn đến thế! Cái hình ảnh ấy cứ đeo mãi trong người tôi. Chuỵên thứ hai, tôi đi hút thuốc ngoài hành lang, một loạt phụ nữ tây cũng hút thuốc. Cũng rít, nhả khói, trầm tư có, tán dóc có . . . , bao nhiêu cung bậc cảm xúc nam tính thể hiện họ đều có. Tò mò tôi hỏi một vài người. Phụ nữ: họ cho rằng, đàn ông có cảm xúc ấy, phụ nữ cũng có. Phần đông phụ nữ Việt không hút thuốc, cô ấy đốp chát liền, I believe that they want to smoke too. Đàn ông: My wife also loves to smoke, that is why I try to give up smoking. Bình đẳng ở trời tây là thế. Chuyện thứ ba, chồng nấu cơm, vợ relax. Tại sao, phụ nữ sanh, sức khỏe yếu, lại phải đi làm. Chồng khỏe, thế thì chồng phải làm.

Thế là tôi đã hiểu. Và tôi bắt tay vào việc học làm người. Đầu tiên, việc mà tôi xem là thiên chức của phụ nữ-nấu nướng- được thực hành đầu tiên.
Lúc trước vợ mang bầu, thương vợ, tôi lao vào bếp, và nồi cơm điện tạo ra sản phẩm 3 tầng. Sản phẩm gọi là món ăn thì không biết kể là gì. Bởi, từ món xào rau củ tôi chuyển thành xào với trứng, sau đó nhìn không ưng ý, tôi lại bỏ thịt vào nấu thành món canh. Đem ra đĩa thì thấy không đẹp mắt làm vài quả cà chua. Ok, tuyệt! Vợ mệt đang lơ mơ ngủ, tôi đánh thức dậy. Nhìn quyến rũ quá, thơm quá. Vợ hỏi, anh nấu món gì? Tôi cười, không biết. Nhưng vừa ăn xong một miếng, vợ ói xanh xương. Từ đó, tôi bỏ nghề nấu nướng.
Hôm đầu tiên nấu, nhớ lại chuỵên cũ, tôi còn rùng mình sợ. Thế nhưng, mình muốn thì phải được. Nhờ vợ tư vấn, chỉ nấu thế nào. Dần dần tôi nấu được. Nghĩa là kỹ năng để tự sống sót đã được học. Và tôi có thể tin tôi có thể nấu được những gì mình thích. Nói ngắn gọn thế, chứ hành trình nó cũng gian nan. Có lần, vợ phải sặc sụa vì nghe chồng làm những món ăn quái đản, chưa hề có trong danh mục món ăn Việt, hoặc là những cách nấu mà đại loại từ canh chuyển sang xào hay ngược lại hoặc từ cháo thành cơm . . .

Việc thứ hai, tôi giảm hút thuốc lá. Ở Việt nam, mỗi ngày một gói là chuyện bình thường. Ngồi nhậu, cafe là hết 1 gói. Qua Canada, ba ngày một gói. Và nếu không thấy cần thiết thì tôi không hút. Sự cần thiết là thế nào, có một entry nói về vấn đề đó, nhưng không liệt kê ở đây (bởi nó mang tính chất tuyên truỳên).

Việc thứ ba, là việc thường làm, nghiền ngẫm trường phái Tịnh độ tông của Phật giáo. Sửa mình là việc nên làm. Tự khép mình vào những khuôn khổ cần thiết. Lấy quy luật nhân quả làm first priority trước khi quyết định làm việc gì. Có người nhầm lẫn là tôi là Phật tử. Nhưng không hề có, ở đây, tôi chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu và tự đúc kết cho chính mình, và hơn nữa không hề có ý đồ truỳên bá Phật giáo cho mọi người và ngay cả người thân. Một quan điểm của triết lý Phật giáo là hợp duyên thì đến. Có nói nghìn lần mà người nghe hiểu sai vẫn bằng thừa. Có mâu thuẫn không nhỉ? Thực ra đọc hoài mà vẫn hiểu sai. Còn nghe thuyết giảng mà không nghiên cứu thì hiểu sai là đúng!

P/S: Một bài kỷ niệm ngày cưới,
http://thanhtantp.blogspot.com/2010/03/suy-nghi-ve-ky-niem-4-nam-ngay-cuoi.html
đã viết năm trước.

No comments: