Monday, March 15, 2010

Vô Ngã

Thuyết Vô Ngã Trong Triết Phật



Dẫn nhập:

Cột trụ của Phật giáo là thuyết VÔ NGÃ. Thuyết Vô Ngã do chính Phật Thích Ca, giáo chủ của Phật giáo giảng dạy. Trong kinh Pháp Cú 20:5-7 ghi lại lời dạy của Phật Thích Ca như sau:

"Chư Hành vô thường (Mọi sự vật bị giới hạn đều là vô thường - luôn biến đổi)
"Chư Hành là khổ (Mọi sự vật bị giới hạn đều là khổ - đời sống không có sự vui thỏa)
"Chư Pháp vô ngã (Mọi pháp là vô ngã - "pháp" bao gồm sắc pháp tức vật lý và tâm pháp tức tâm lý)

Chữ "pháp" là một thuật ngữ độc đáo trong Phật học, nó bao gồm tất cả những gì thuộc về thế giới vật lý lẫn những gì thuộc về thế giới tâm lý, nó bao gồm cả Niết bàn. Theo giáo lý Nguyên Thủy (Theravàda) không có Ngã trong các pháp (mọi sự vật) cũng như không có Ngã trong con người. Trong Trung Bộ Kinh, Phật Thích Ca dạy rằng:

"Hỡi các Tỳ Kheo, khi mà Ngã hay bất cứ cái gì thuộc về Ngã không có, thì quan điểm tư duy này: Vũ trụ là linh hồn, ta sẽ là linh hồn sau khi chết, sẽ trường cửu, tồn tại, vĩnh viễn bất biến, và ta sẽ hiện hữu như thế cho đến vô tận thời gian - quan điểm ấy có phải là hoàn toàn điên rồ chăng?"

Từ thuyết Vô Ngã, Phật Thích Ca khai mở một chủ thuyết, về sau chủ thuyết này trở thành giáo lý cột trụ của một tôn giáo lớn gọi là Phật giáo. Hơn 2500 năm đã trôi qua kể từ ngày Phật Thích Ca rao giảng thuyết Vô Ngã, hàng tỉ người trên thế giới đã tin vào thuyết này và cố gắng "tu tập" để có thể chiêm nghiệm được cái lý lẽ của thuyết Vô Ngã. Danh từ "Phật" dùng để gọi một người đã quán triệt Vô Ngã, thể nhập Không Tánh. Phật Thích Ca xưng rằng Ngài là Phật đã thành còn chúng sinh là Phật sẽ thành, nhưng trên 2500 năm qua, lịch sử chỉ ghi nhận có mỗi một mình Ngài Thích Ca tự xưng là Phật. Nói cách khác, chỉ có mỗi một mình người lập ra thuyết Vô Ngã xưng nhận là mình đã chứng nghiệm được thuyết ấy.

Có phải thuyết Vô Ngã quá thâm diệu cho nên suốt hơn 2500 ngàn năm nay ngoài Phật Thích Ca ra không ai có đủ trình độ, khả năng, sự thông sáng, hoặc lòng nhiệt thành để giác ngộ? Bài viết này nhằm phân tích và so sánh thuyết Vô Ngã của triết Phật và tín lý Hữu Ngã trong Thánh Kinh. Tác giả ước mong những điều được trình bày dưới đây sẽ góp phần làm sáng tỏ sự tương phản giữa hai phạm trù nói trên.

Định nghĩa một số từ ngữ:

Ngã: Mỗi tôn giáo hoặc trường phái triết học có những định nghĩa khác nhau về Ngã, (Ngã là một danh từ Hán Việt). Một cách tổng quát, Ngã là một thực thể (một cái gì có thật), trường tồn và là một phần của con người, là một "cái tôi" tuyệt đối riêng biệt, không ai thay thế được, là phần làm chủ và trách nhiệm mọi tư duy, tình cảm, ý chí, hành động của con người. Tiếng Phạn (Sanskrit) gọi Ngã là "Atman", tiếng Anh gọi là "Self", tiếng Việt gọi nôm na là "cái Tôi" hoặc "cái Ta". Cơ-đốc-giáo (Christianity) gọi là Linh hồn (Soul). Triết Phật dạy rằng, một Ngã như vậy không có thật, mọi quan niệm về Ngã chỉ là ảo tưởng, mọi nhận thức về Ngã chỉ là ảo giác.

Nhập Không Tánh: Trạng thái quán triệt Vô Ngã dẫn đến sự quán triệt Tánh Không của mọi pháp. (Tánh Không của mọi pháp là: vạn vật, kể cả "cái Ta" không có thật, không có tự tánh, không thể nắm bắt nên thật ra không sinh không diệt. Sự sinh và diệt mà chúng sinh kinh nghiệm mỗi ngày chỉ là sự sinh và diệt của những ảo ảnh.) Nhập Không Tánh tức đắc đạo, tức nhập Niết bàn.

Niết bàn: Không đơn thuần là một nơi chốn như Thiên Đàng hay Hỏa Ngục mà còn là trạng thái giải thoát, an nhiên tự tại, nhờ thấu hiểu (giác ngộ) chân tướng của vạn vật là Không, nên chấm dứt và thoát ra ngoài mọi ý niệm, thoát mọi chấp Ngã (thoát khỏi sự cho rằng Ngã có thật), thoát mọi chấp pháp (thoát khỏi sự cho rằng mọi vật có thật, có tự tánh, có sinh, có diệt), thoát khỏi luân hồi, tức thoát vòng sinh tử.

Pháp: (1) Chư Pháp: Mọi sự vật, sự việc trong thế giới vật lý lẫn thế giới tâm lý, kể cả Niết bàn. (2) Phật pháp: Lời dạy của Phật Thích Ca. (3) Pháp môn: Phương cách tu tập để quán triệt Vô Ngã và Không Tánh. Theo Phật Thích Ca, có đến 84,000 Pháp môn. Các nhà Phật học không thống nhất với nhau về ý nghĩa của con số 84,000 pháp môn. Dưới đây là luận giải của tác giả:

- Tứ Diệu Đế thiên biến = (4) X (1000) = 4000
- Bát Chánh Đạo vạn hóa = (8) X (10,000) = 80,000
- Pháp môn tu tập để Giác Ngộ = Tứ Diệu Đế thiên biến + Bát Chánh Đạo vạn hóa (4000 + 80,000 = 84,000 pháp môn)

Phật: Người quán triệt, tức giác ngộ Vô Ngã (thấy và hiểu sự vận hành của mọi "pháp" như chúng vốn là như vậy, tức vạn vật chỉ là ảo giác) dứt mọi ý niệm (nguyên cớ tạo ra ảo giác) nên thoát vòng sinh tử (ra khỏi luân hồi), nhập Không Tánh (thoát Khổ, trở về Chân Không, đạt Niết bàn), trở thành Phật, tức Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Vô Minh: U mê, tăm tối, phát sinh ra những ý niệm không thật khiến tạo ra các ảo giác (các pháp của thế gian) dẫn đến những nhận thức sai lầm, tạo ra nghiệp lực, thu hút Tứ Đại (tạo thành thân xác), giam giữ chúng sinh miệt mài luân chuyển trong 12 yếu tố của Duyên Khởi (luân hồi). Nếu có 84,000 pháp môn giải thoát thì cũng có 84,000 cảnh giới vô minh.

- Ngũ Uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức (5) X (12) Yếu tố Duyên Khởi = 60 (sự Chấp Pháp)
- Tam Độc: Tham, Sân, Si (3) X (8) Tám Thức: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý, Tống Truyền, Tàng = 24 (sự Chấp Ngã)
- Khổ = (Chấp Pháp + Chấp Ngã) X (thiên biến) = vạn hóa (60 + 24) X (1000) = 84,000 cảnh giới)

* Khổ thiên biến mà thành ra vạn hóa: Khổ = thiên biến ---> vạn hóa.
* Giác Ngộ vừa thiên biến mà vừa vạn hóa: Giác Ngộ = thiên biến + vạn hóa.

Chương I: Lập luận Vô Ngã (Anatta) của triết Phật


Phật Thích Ca lập thuyết Vô Ngã dựa trên các suy luận sau đây:

A. Nhận định Duyên khởi:

Được sinh trưởng trong môi trường văn hóa của Ấn giáo, ít nhiều gì Đức Thích Ca cũng ảnh hưởng thuyết Nhân Duyên và Luân Hồi của Ấn giáo. Đối diện với cuộc sống, chứng kiến thế nhân sinh, lão, bệnh, tử - nhìn thấy vạn vật thành, trụ, hoại, diệt; Đức Thích Ca suy ra mọi sự vật đều giới hạn, tương đối và phụ thuộc lẫn nhau theo công thức sau đây:

1) Cái này có thì cái kia có (vì có hột lúa nên có cây lúa)
2) Cái này sinh thì cái kia sinh (vì cây lúa sinh ra hột lúa nên từ hột lúa lại sinh ra cây lúa khác)
3) Cái này không có thì cái kia không có (không có hột lúa thì không có cây lúa)
4) Cái này diệt thì cái kia diệt (hột lúa bị diệt thì cây lúa - sẽ sinh ra từ hột lúa ấy - cũng bị diệt)

Theo Tương Ứng Kinh bộ II thì 12 yếu tố Duyên Khởi trong triết Phật là:

1. Vô Minh
2. Hành
3. Thức
4. Danh Sắc
5. Lục Nhập
6. Xúc
7. Thọ
8. Ái
9. Thủ
10. Hữu
11. Sinh
12. Lão - Tử (Ưu, Bi, Khổ não)

Vô Minh sinh ra Hành, Hành sinh ra Thức, Thức sinh ra Danh Sắc, Danh Sắc sinh ra Lục Nhập, Lục Nhập sinh ra Xúc, Xúc sinh ra Thọ, Thọ sinh ra Ái, Ái sinh ra Thủ, Thủ sinh ra Hữu, Hữu sinh ra Sinh, Sinh sinh ra Lão, Tử, (Ưu, Bi, Khổ não).

Từ nhận định đó (dựa vào thuyết Nhân Duyên và Luân Hồi của Ấn giáo), Đức Thích Ca lập ra thuyết Duyên Khởi, cho rằng mọi sự vật tương quan và luân chuyển trong một vòng tròn của luật Duyên Khởi (duyên=sinh ra, khởi=bắt đầu).

B. Phân tích Ngũ Uẩn:

Khi suy tư về bản thể của con người, Đức Thích Ca nhận thấy con người là một tổng thể bao gồm các phần thấy được, đụng chạm được và các phần không thấy được, không đụng chạm được. Đức Thích Ca phân tích con người thành Ngũ Uẩn. Uẩn là một tập hợp, một nhóm. Ngũ Uẩn (năm tập hợp) đó là:

1) Sắc Uẩn: Tức Thân + Tâm (được cấu tạo bởi Tứ Đại là đất + nước + gió + lửa), Sắc Uẩn bao gồm các Giác Quan (Căn)
2) Thọ Uẩn: Tức là những Cảm Thọ (cảm giác nhận được) do sự tiếp xúc giữa 6 Căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và 6 Trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp)
3) Tưởng Uẩn: Tức là những Tư Duy phát sinh từ những Cảm Thọ, tạo ra các Khái Niệm
4) Hành Uẩn:
Sự Lưu Chuyển của các Khái Niệm, biến Khái Niệm thành Hành Động.
5) Thức Uẩn: Sự Nhận Biết và Phân Biệt các Khái Niệm. Riêng Thức Uẩn chia làm 8 Thức khác nhau:
a) Nhãn Thức là sự nhận biết và phân biệt các khái niệm do mắt nhìn thấy vạn vật.
b) Nhĩ Thức là sự nhận biết và phân biệt các khái niệm do tai nghe từ vạn vật.
c) Tỷ Thức là sự nhận biết và phân biệt các khái niệm do mũi ngữi được từ vạn vật.
d) Thiệt Thức là sự nhận biết và phân biệt các khái niệm do lưỡi nếm lấy từ vạn vật.
e) Thân Thức là sự nhận biết và phân biệt các khái niệm do thân thể tiếp xúc với vạn vật.
f) Ý Thức là sự nhận biết và phân biệt các khái niệm tổng hợp từ các khái niệm do 5 thức trên đem lại.
g) Mạt Na Thức (Manas Vijnãna) còn gọi là Ý Căn, là nơi phát sinh ra Ý Thức. Mạt Na Thức truyền các hệ quả (hạt giống - chủng tử) của những Khái Niệm đã biến thành hành động (pháp hiện hành) vào Tàng Thức và tống đưa các hệ quả đã nhuần thấm, chín mùi ra hiện hành, nên còn được gọi là Tống Truyền Thức. Mạt Na Thức khiến chúng sinh nhìn thấy một ảo giác về Ngã, là gốc của sự Chấp Ngã, là nguồn gốc của 4 phiền não căn bản:

- Ngã Si (sự vô minh, u mê, ngu tối về bản ngã)
- Ngã Ái (sự yêu thương quyến luyến bản ngã)
- Ngã Kiến (sự nhìn thấy những sai lầm của bản ngã)
- Ngã Mạn (sự kiêu căng, ngạo mạn cho bản ngã là cao cả hơn hết)

Tương truyền Phật Thích Ca nói câu sau đây: "Thiên Thượng Địa Hạ Duy Ngã Độc Tôn". Nhiều người giải luận câu này cho rằng Phật Thích Ca có ý tuyên bố rằng: "Trên Trời Dưới Đất Chỉ Mình Ta (Phật Thích Ca) Đáng Tôn Quý". Thật ra, nếu quả thật Phật Thích Ca có tuyên bố câu này, thì chỉ là nhằm kiên định cái thuyết Vô Ngã mà thôi. Ý của câu đó có thể giải luận như sau: "Khắp vũ trụ (trên trời dưới đất) chỉ có cái NGÃ của chúng sinh là được chúng sinh tôn làm cao cả hơn hết (mặc dầu cái Ngã không có thực).

h) A Lại Da Thức (Alaya Vijnãna) còn gọi là Tàng Thức. Thức này bao gồm 3 chức năng:

- Năng Tàng: Chức năng chứa đựng, gìn giữ các chủng tử (hạt giống) của các pháp, tức chứa đựng những hệ quả của các hành động thiện cũng như ác của chúng sinh.
- Sở Tàng: Chức năng ấp ủ, nhuần thấm những chủng tử được chứa trong Tàng Thức. Khi đã nhuần thấm, chín mùi thì các chủng tử này được Tống Truyền Thức tống đưa ra thành hành động.
- Ngã Ái Chấp Tàng: Chức năng duy trì một ảo giác về cái Ngã (Chấp Ngã), yêu thương cái Ngã, độc tôn cái Ngã, và đó chính là lực lượng qui tụ Tứ Đại để kết thành thân xác chúng sinh.

C. Suy luận Tánh Không:

Triết Phật không công nhận "Nguyên Nhân Đầu Tiên". Triết Phật cho rằng duyên khởi là vì Vô Minh (u mê, ngu tối). Vì u mê, ngu tối cho nên chúng sinh mới tưởng các pháp (vạn vật) là có thật, tức Chấp Pháp. Vì Chấp Pháp (cho rằng vạn vật là có thật) nên chúng sinh tưởng rằng mỗi pháp đều có tự tính, dẫn đến Chấp Ngã (cho rằng mỗi con người có một bản ngã, còn gọi là "cái Tôi", "cái Ta", hoặc Linh Hồn.)

Ví như một lữ hành trong sa mạc nóng cháy, khao khát tìm được nước uống. Đến một lúc nào đó, sự khao khát nước uống cho cơ thể thiếu nước khiến cho người đó bị ảo giác thấy một vũng nước hay một ốc đảo giữa sa mạc:

1. Vũng nước hay ốc đảo có hình ảnh hiện ra nhưng không có thật (sắc tức thị không: tưởng là có mà thật ra không có).
2. Vũng nước hay ốc đảo tuy không có thật nhưng vẫn có hình ảnh hiện ra (không tức thị sắc: dù là chẳng có thật nhưng vẫn hiện ra như có thật).
3. Sự khao khát nước uống, bóng mát làm cho người lữ hành nhìn thấy ảo ảnh của vũng nước hoặc ốc đảo mà tưởng là nó có thật (vô minh khiến chúng sinh tùy theo các ý niệm mà nhìn thấy những hình ảnh [Danh Sắc] của vạn vật [các Pháp] và tưởng các pháp là có thật, tức Chấp Pháp).
4. Cái mệt mõi, khát nước của thể xác khiến cho người lữ hành ý thức rằng: "Tôi mệt", "Tôi khát", "Tôi cần uống nước", "Tôi cần nghĩ ngơi trong bóng mát" ... nhưng bóng mát không có thật, nước uống không có thật nên không thoả mãn được nhu cầu, sinh ra Khổ. (Vô minh khiến chúng sinh vì Chấp Ngã - tưởng mình là có thật, mà sinh ra Chấp Pháp - tưởng các pháp là có thật. Ví như người lữ hành tưởng là thể xác mình có thật, cho rằng sa mạc có thật, mặt trời có thật, vũng nước có thật, ốc đảo có thật nên đau khổ vì cát nóng, nắng cháy, vì thân thể bị mất nước, vì thèm được uống nước nhưng vũng nước không có thật, vì thèm được núp bóng mát nhưng ốc đảo không có thật.)

D. Lập thuyết Vô Ngã:

Sự luận giải về thuyết Vô Ngã của triết Phật có thể tóm tắt như sau: Từ vô lượng kiếp, chúng sinh quay cuồng trong vòng luân hồi sinh tử, bởi vì trong một lúc nào đó, ở thời quá khứ vô cùng khởi (có thể đến hàng tỉ tỉ tỉ năm về trước!) vì u mê, ngu tối (Vô Minh) mà chúng sinh phát khởi các ý niệm hoặc thiện hoặc ác (Hành). Những ý niệm này hình thành các khái niệm (Thức). Các khái niệm tạo ra những hiện tượng tâm lý và vật lý tức là ảo ảnh về vạn vật (Danh Sắc). Ảo ảnh khiến sinh ra các giác quan và ý thức (Lục Nhập). Các giác quan và ý thức phát sinh ra sự đụng chạm và tiếp xúc (Xúc). Sự đụng chạm và tiếp xúc đem lại cảm giác và nhận định (Thọ). Cảm giác và nhận định sinh ra sự ham muốn (Ái). Sự ham muốn tạo thành ý chí bám víu, giữ lấy (Thủ). Ý chí bám víu, giữ lấy kết tinh thành thực thể (Hữu). Thực thể trở thành sự sống (Sinh). Sự sống suy tàn rồi tiêu tan dẫn đến già cỗi và sự chết (Lão - Tử), cùng những lo, buồn, đau đớn. Chu trình này sẽ tái diễn đến vô lượng lần, mỗi lần là một kiếp, trong tương lai vô cùng tận.

Trong chu trình Duyên Khởi (12 yếu tố kể trên) mỗi yếu tố vừa là nhân của yếu tố này mà là quả của yếu tố kia. Tùy theo những ý niệm phát sinh mà Tứ Đại (đất, nước, gió, lửa) kết thành thân xác của chúng sinh. Thân Tứ Đại sinh ra khi hội đủ Pháp hiện hành và chết đi khi Pháp hiện hành đã hết, đó là một kiếp của chúng sinh. Tuy nhiên, trong một kiếp đó sự luân chuyển, thể hiện của các Pháp hiện hành đã tạo ra các nhân thiện hoặc ác khác (Chủng Tử) và được Tống Truyền Thức đem cất giữ vào Tàng Thức. Khi những chủng tử này đã được thấm nhuần trong Tàng Thức thì Tống Truyền Thức phóng chúng ra thành các Pháp Hiện Hành mới, thu hút Tứ Đại, tạo ra một thân xác mới. Tiến trình này được gọi là Nghiệp Lực. Nghiệp lực cứ khiến cho chúng sinh quay cuồng trong chu trình bất tận của Duyên Khởi nghĩa là chúng sinh có thể trải qua vô lượng kiếp!

Trong 12 yếu tố của Duyên Khởi, nếu phá được Vô Minh thì diệt được Hành. Hành không có thì diệt được Thức. Thức không có thì diệt được Danh Sắc. Danh Sắc không có thì diệt được Lục Nhập. Lục Nhập không có thì diệt được Xúc. Xúc không có thì diệt được Thọ. Thọ không có thì diệt được Ái. Ái không có thì diệt được Thủ. Thủ không có thì diệt được Hữu. Hữu không có thì diệt được Sinh. Sinh không có thì diệt được Lão, Tử, Ưu, Bi, Khổ não.

Làm sao để phá được Vô Minh? Bằng cách quán triệt chân tướng của sự vật (các pháp) chỉ là KHÔNG! Như vậy, muốn thoát khổ (được giải thoát) con người cần phải quán triệt Chân Tướng của sự vật, của chính mình. Khi quán triệt Chân Tướng của sự vật, của chính mình, thì sẽ Giác Ngộ, nghĩa là nhận ra vạn vật, trong đó có mình, chỉ là ảo giác, không có thật. Có thể nói như sau: Những gì tôi nhận thấy chung quanh tôi hoặc về chính tôi chỉ là ảo giác. Tại tôi tưởng là chúng có thật cho nên có cái tôi yêu thích, có cái tôi ghét bỏ, có cái tôi khao khát, có cái tôi tìm cầu, có cái tôi muốn nắm giữ, có cái tôi muốn vứt bỏ... và khi không thoả mãn được ý mình thì tôi khổ. Cho đến lúc tôi nhận ra, vạn vật, trong đó có tôi, đều không có thật, đều Vô Ngã, thì tôi hết khổ, tôi nhập Niết bàn.

Chương II: Giá Trị Của Thuyết Vô Ngã


Một thực tế không thể phủ nhận được là trên 2500 năm nay, kể từ ngày thuyết Vô Ngã ra đời, ảnh hưởng của thuyết Vô Ngã và của những phó phẩm ra từ thuyết ấy đã gây thêm phấn khích cho các tư tưởng vô thần. Vô Ngã không còn giới hạn trong phạm vi triết học mà đã trở thành một thứ "giáo lý tôn giáo" mang ít nhiều ảnh hưởng đến các luồng tư tưởng vô thần rải rác khắp Âu, Á.

A. Một nguồn sông hai dòng chảy

Mỗi một con người được sinh ra bình thường trên đời đều phải đối diện với những nghi vấn muôn đời của nhân loại. Bởi lẽ nhân loại muốn truy tìm về nguồn gốc, ý nghĩa, và mục đích của đời người. Tôn giáo là nổ lực của con người, muốn đem lại cho nhân loại những câu trả lời cho các nghi vấn ấy. Phần nhiều các tôn giáo lớn xuất phát từ Á Châu. Phải chăng Á Châu là cái nôi của nhân loại? Phải chăng mọi nền văn minh của nhân loại đều bắt nguồn từ cái nôi ấy?

Ấn Độ giáo (Hindu) gọi tắt là Ấn giáo, khởi phát tại Ấn Độ khoảng 1500 năm trước Công Nguyên, vốn đã có một vai trò lịch sử, triết học và tôn giáo quan trọng trong vùng nầy. Thuyết Duyên Khởi của Phật Thích Ca ảnh hưởng rất nhiều từ thuyết Nhân Duyên và Luân Hồi của Ấn giáo. Điều quan trọng là Đức Thích Ca đã dựa trên cở sở của thuyết ấy để triển khai thành giáo lý Vô Ngã. Nếu có thể ví Ấn giáo như một dòng sông chảy về phương Nam thì Phật giáo là một dòng tách ra từ thượng nguồn của dòng sông ấy và chảy ngược về phương Bắc. Bởi vì, ngoài sự nhận định giống nhau của thuyết Nhân Duyên và thuyết Duyên Khởi thì Ấn giáo và Phật giáo hoàn toàn khác biệt. Trong khi Ấn giáo cổ xúy cho Ngã (Atman - The Innermost Self) và đề cao một Thực-Thể-Cao-Siêu-Tuyệt-Đối (Brahman - The Ultimate Reality) thì Phật giáo lại phủ nhận cả hai.

1. Dòng chảy Ấn giáo

Ấn giáo và Phật giáo đều khởi đầu thuyết Nhân Duyên và Duyên Khởi bằng Vô Minh (ngu dốt, u mê, tăm tối) nhưng trong Ấn giáo có một chủ thể, một Ngã, một cái tôi vì vô minh mà đi tìm những thỏa mãn bên ngoài bản ngã đích thực cho nên dẫn đến hậu quả đau khổ vì không bao giờ có thể thỏa mãn được với cái “bản ngã giả định” đó. Từ đó, quan điểm Nghiệp lực (Karma) được suy diễn ra để dẫn cái tôi đi từ "kiếp" này sang "kiếp" khác, cho đến khi nó bừng tỉnh nhận ra bản ngã đích thực của mình (bản lai diện mục) và trở về hội nhập với Thực-Thể-Cao-Siêu-Tuyệt-Đối, còn gọi là Đại Ngã (Brahman).

Ấn giáo gọi bản ngã đích thực của một người là Atman, bản ngã đích thực này không hề thay đổi. Bên cạnh đó, con người còn có bản ngã vật chất vô thường (thể xác, tư tưởng, cảm xúc). Vì con người tập chú vào bản ngã vật chất quá nhiều, miệt mài tìm kiếm hạnh phúc trong một vũ trụ vật chất cũng vô thường (luôn luôn biến đổi) cho nên không bao giờ tìm gặp hạnh phúc mà chỉ gặt hái những đau khổ thất vọng. Thật ra, hạnh phúc theo Ấn giáo, là sự ý thức về bản ngã đích thực và mối quan hệ giữa bản ngã cá nhân (Tiểu Ngã) với Đại Ngã. Khi con người bừng tỉnh từ trong quá trình u mê tăm tối tìm kiếm, nhận thức được bản ngã đích thực của mình, là lúc con người trở về với chân hạnh phúc và được giải phóng khỏi luân hồi, khỏi mọi đau khổ.

Thí dụ sau đây có thể dùng để minh họa cho ý tưởng nói trên:

Một ông Vua nằm mơ thấy mình là một tên ăn mày đói rách, hạ tiện… lúc nào cũng khao khát được ăn no mặc ấm nhưng suốt giấc mơ không bao giờ sự khao khát ấy được thoả mãn, cho nên ông vua có cảm giác đau khổ. Trong một giấc mơ khác, ông vua mơ thấy mình là một tên lính và khao khát được trở thành một viên soái tướng oai vệ, suốt cả giấc mơ sự khao khát ấy cũng không bao giờ được thỏa mãn nên ông vua lại có cảm giác đau khổ. Tiếp thêm một giấc mơ khác, ông vua mơ thấy mình là một tay phú hộ giầu có, nhưng chiến tranh loạn lạc nổi lên của chìm, của nổi đều tiêu tán và phú hộ biến thành cùng đinh khiến cho ông vua có cảm giác tiếc nuối, đau đớn… Những giấc mơ của ông vua có thể liên kết với nhau bằng một chi tiết nào đó, và hết giấc mơ này tiếp giấc mơ khác cho đến khi ông vua mơ thấy mình làm vua, vui sướng quá… bừng tỉnh, và thấy mình là vua thật!
Trong Ấn Giáo, sự giác ngộ và giải thoát không bỗng nhiên như sự giác ngộ của Phật Thích Ca. Muốn diệt vô minh để chấm dứt luân hồi, người tin theo Ấn giáo phải trả hết những nghiệp xấu đã gây ra và phát huy những nghiệp lành. Chỉ khi nào sự thăng tiến của tâm linh tiến đến mức độ chỉ làm ra những việc lành, lúc ấy con người mới bừng tỉnh khỏi cơn mê truyền kiếp, nhận thức được bản ngã đích thực, rời khỏi luân hồi trở về hội nhập vào Đại Ngã.
2. Dòng chảy Phật giáo

Trong Phật giáo, một người có thể đạt đến giải thoát một cách tiệm tiến qua sự thăng tiến của tâm linh như trong Ấn giáo (chữ tâm linh dùng ở đây cho Phật giáo là dùng một cách gượng ép, có lẽ chỉ nên dùng chữ TÂM). Tuy nhiên, điểm hệ trọng hoàn toàn khác biệt giữa Phật giáo và Ấn giáo đó là Phật giáo phủ nhận Tiểu Ngã (cái tôi của mỗi người) lẫn Đại Ngã. Sự phủ nhận đó được thể hiện trong chính câu nói của Đức Thích Ca nói với các đệ tử nhằm phản bác niềm tin về Ngã và Đại Ngã trong Ấn giáo: "Hỡi các Tỳ Kheo, khi mà Ngã hay bất cứ cái gì thuộc về Ngã không có, thì quan điểm tư duy này: Vũ trụ là linh hồn, ta sẽ là linh hồn sau khi chết, sẽ trường cửu, tồn tại, vĩnh viễn bất biến, và ta sẽ hiện hữu như thế cho đến vô tận thời gian - quan điểm ấy có phải là hoàn toàn điên rồ chăng?" (Trung Bộ Kinh)

Quan điểm nói trên dẫn đến kết luận: Vạn vật vô ngã, đã vô ngã thì không có tự tánh (không có bản thể). Vì vạn vật đều là vô ngã, không có tự tánh nên vạn vật là KHÔNG. Bản tánh chân thật của vạn vật là KHÔNG. Mọi hiện tượng thấy được và không thấy được (vật lý và tâm lý = sắc tướng và vô sắc tướng) đều liên tục biến đổi cho đến khi chúng trở về trạng thái thật, tức là KHÔNG. Cho nên, chỉ cần thấy được tánh không của vạn vật sẽ ý thức được vạn vật vô ngã và lập tức dứt mọi phiền ưu lao khổ, hội nhập Niết Bàn, tỉ như người vừa choàng tỉnh ra khỏi cơn ác mộng, trở về với đời sống thực tế. (Đây chính là điểm "hốt nhiên giác ngộ" trong Phật giáo mà Ấn giáo không có.) Người chưa giác ngộ cũng ví như người còn ở trong cơn ác mộng, vì tâm cứ bám víu vào những hiện tượng xảy ra trong cơn ác mộng nên giấc ngủ càng say và ác mộng càng nhiều, ác mộng này kết nối và sinh ra ác mộng khác…

Phật Thích Ca dạy rằng có 84,000 pháp môn (con đường tu tập để giác ngộ). Không một kinh sách nào liệt kê hay phân loại 84,000 pháp môn mà Đức Phật khẳng định. Tuy nhiên, có thể tin rằng con số 84,000 chỉ là một con số tượng trưng chỉ về số nhiều đếm không xuể như phương ngôn "hằng hà sa số" (số lượng cát ở sông Hằng=vô lượng pháp môn tu). Khi nói có 84,000 pháp môn tu tập để đạt đến giải thoát, hoặc nói có 84,000 sinh mạng trong một ly nước chỉ là một cách nói biểu tượng. Điều có thể chắc chắn đó là những pháp môn tu tập mà không một pháp môn nào giống pháp môn nào (về điểm này thì Ấn giáo và Phật giáo giống nhau, tỉ như chất nước của hai dòng chảy cùng phát xuất từ một nguồn). Hơn 2500 năm nay, ngoài Phật Thích Ca tự tuyên bố mình đắc đạo, chưa một người nào tự cho mình đã đắc đạo như Phật Thích Ca, chính vì đó mà không có ai kiểm nghiệm thêm được một pháp môn nào khác ngoài pháp môn mà qua đó Đức Thích ca giác ngộ thành Phật: Pháp môn Thiền Định!

Nhờ "thiền" mà Đức Thích Ca giác ngộ được Vô Ngã.

B. Giá trị của thuyết Vô Ngã về mặt triết học

1. Ý tại ngôn ngoại?


Thuyết Vô Ngã của triết Phật tự làm cho mình mâu thuẫn với chính mình. Trên cơ sở và phương pháp lý luận, Thuyết Vô Ngã rất dễ bị phản biện, vì Vô Ngã luôn luôn có chung một mẫu số với Hữu Ngã: Nếu không có Ngã thì "cái gì" đau khổ? "cái gì" tạo nghiệp và chuyển nghiệp? "cái gì" suy tư? ”cái gì" đi tu? "cái gì" giác ngộ? "cái gì" nhập Niết Bàn? "cái gì" giảng dạy và viết ra thiên kinh vạn quyển tràn lan? Một câu hỏi khác cũng rất "hóc búa": Nếu con người của Đức Thích Ca là "không thật" thì chân lý Vô Ngã do Ngài tìm ra "có thật" hay không? Bởi vì thuyết Vô Ngã là một sản phẩm tối cao, cuối cùng, và chân thật của trí tuệ mà trí tuệ đó ở trong một chủ thể tên là Thích Ca, nếu Thích Ca vốn là Vô Ngã, tức là không có thật; thì cái trí tuệ "của" Thích Ca cũng không có thật, suy ra chân lý Vô Ngã mà trí tuệ không có thật ấy nhìn thấy cũng chỉ là ảo ảnh. Lý lẽ rõ ràng nầy đã đánh bại thuyết Vô Ngã dễ dàng.

Trên một phương diện khác, các bậc trí thức Phật giáo cho rằng thuyết Vô Ngã gặp khó khăn về mặt lý luận bởi vì ngôn ngữ không đủ để chuyên chở những điều vi diệu của tư duy. Người xưa từng nói: "Ý tại ngôn ngoại" nghĩa là cái ý tứ nằm ở ngoài lời nói, lời nói không sao diễn đạt được những điều mà tư duy chứng nghiệm. Nhưng nói thế khác nào bảo rằng tất cả giáo lý Phật giáo đều chưa nói lên được chân lý, ai bám vào nó là sai lầm! Bởi, Đức Thích ca xưng nhận mình là người chỉ đường cho chúng sinh đến với chân lý mà chân lý không được giải bày minh bạch, khúc triết thì làm sao thế nhân có thể lãnh hội được, nhất là thế nhân đã u mê tăm tối từ vô lượng kiếp? Phải chăng đây chính là nguyên cớ khiến cho xưa nay chưa có ai khác ngoài Đức Thích Ca đắc đạo thành Phật?

Cũng có những nhà nghiên cứu Phật học giảng rằng, cái NGÃ mà Đức Thích Ca khẳng định không có thật đó, chỉ là những cái "Ngã giả định" được thêu dệt nên trong tâm trí của con người. Cái Ngã giả định này đã được đề cập trong Ấn giáo. Ấn giáo phân biệt rõ ràng một bản ngã giả định và một bản ngã đích thật. Phật giáo thì tuyên bố vạn vật vô ngã rồi thêm vào thuyết "sắc không" khiến cho giới bình dân đại chúng không thể nào thấu triệt cái lý luận của thuyết Vô Ngã; trong khi đó, những bậc thượng trí, dốc lòng đi tìm chân lý của sự giải thoát khỏi đau khổ thì miệt mài chiêm nghiệm thuyết Vô Ngã như những học sinh ưu tú, hiếu học, kiên trì cố giải cho được một phương trình không có nghiệm số! Chính giữa giới bình dân đại chúng và những bậc thượng trí lại có thành phần những kẻ chẳng hiểu biết gì về Phật pháp, chỉ thuộc lòng một số kinh sách, đem ra nói như vẹt để gạt gẫm thiên hạ nhằm thu lợi về danh, sắc, tài vật…

Nhưng giảng về Vô Ngã như thế khác nào cho rằng Phật giáo cũng "ngầm" công nhận một bản ngã đích thật như Ấn giáo? Phật giáo khẳng định mọi pháp đều vô ngã (kể cả Niết Bàn) thì làm gì "có" một cái Ngã nào trong Phật giáo? Sự vi diệu của thuyết Vô Ngã là ở chỗ: ngay cả Niết Bàn cũng Vô Ngã!

Như vậy, ý nghĩa đích thực của Vô Ngã là gì, xét về mặt triết lý? Để có thể định nghĩa được Vô Ngã, có lẽ trước hết chúng ta phải tìm hiểu về Niết Bàn, là cứu cánh của Phật giáo.

2. Niết Bàn

Trong Kinh Itivuttka và Udana, Phật Thích Ca dạy về Niết Bàn như sau: "Này chư tỳ khưu, có một trạng thái không sanh (ajata), không khởi phát (abhuta), không được cấu tạo (akata), và không tùy thế (asamkara). Nếu không có trạng thái không sanh, không khởi phát, không cấu tạo, và không tùy thế, ắt không thể có lối thoát cho cái có sanh, có khởi phát, có cấu tạo, và tùy thế. Do sự kiện có trạng thái không sanh, không khởi phát, không cấu tạo, và không tùy thế, nên mới có lối thoát cho cái có sanh, có khởi phát, có cấu tạo, và tùy thế."
Niết bàn, Nam Phạn gọi là "Nibbana", Bắc Phạn gọi là "Nirvana". Theo định nghĩa của Bắc Phạn thì "Ni" là một hình thức phủ định, là KHÔNG, và "vana" là DỆT. Dệt ở đây là dệt những ái dục từ kiếp này qua kiếp khác. Như vậy, Niết bàn có nghĩa là chấm dứt hay không có, hay tách rời ra khỏi sự thèm khát, ham muốn. (Những tư tưởng nầy rất thích hợp với giới người sống lang thang vô định để triền miên suy tư và tự cho mình là kẻ thao thức chân lý trong xã hội Aán Độ vào thời xưa và còn rải rác thời nay).

Đức Thích Ca dùng những danh từ sau đây để gọi Niết Bàn: An toàn (Khema), Bất khả diệt (Akkhara), Bất tùy thế (Asamkhata), Chỗ nương tựa tối thượng (Paràyana), Duy nhất (Kevala), Giải thoát (Mutti), Hạnh phúc (Siva), Siêu thế (Lokuttara), Tối cao (Para), Tối thượng (Anuttara), Trọn vẹn (Tana), Tuyệt đối trong sạch (Visuddha), Vắng lặng (Santi), Vĩnh cửu (Amata), Vô song (Anupameya), Vô tận (Ananta), Vượt ra ngoài (Pàra), v.v…

Có hai hình thức đạt Niết Bàn, trong kinh Itivuttaka, Đức Thích Ca dạy rõ về Vô dư Niết bàn và Hữu dư Niết bàn. Lấy trường hợp đắc đạo đạt Niết bàn của Phật Thích Ca ra xét nghiệm thì ngay sau khi giác ngộ Vô Ngã Đức Thích Ca lập tức thành Phật (người giác ngộ) đạt Niết bàn, ấy gọi là Hữu dư Niết bàn (Sopadisesa Nibbana Dhatu), tức đạt được "trạng thái" Niết bàn; Sau khi Phật Thích Ca qua đời, ra khỏi sự ràng buộc của thân Tứ đại, Ngài nhập vào "cõi" Niết bàn, tức Vô dư Niết bàn (Anupadisesa Nibbana Dhatu).

Như vậy, Niết Bàn là một trạng thái hay một nơi chốn? Nó là cả hai. Khi nói về Hư vô (emptiness) chúng ta ý thức được Hư vô vừa là trạng thái và cũng vừa là nơi chốn (không gian). Hư vô là vĩnh cửu của KHÔNG, Niết bàn là vĩnh cửu của CÓ. Nếu có thể ví Hư vô là bóng tối thì Niết Bàn cũng ví như ánh sáng. Khi ánh sáng bừng lên thì không còn thấy được bóng tối nhưng không có nghĩa là bóng tối không có thực, không tồn tại.

3. "Ngã" trong triết Phật

Thế gian, theo triết Phật, là sự giao thoa giữa Hư vô và Niết bàn, giữa Không và Có, giữa Mộng và Thực… thế gian là Ảo ảnh. Chúng ta hãy trở lại với minh họa về ảo giác của một lữ khách đi trong sa mạc, nhìn thấy vũng nước hoặc ốc đảo.

1. Có một chủ thể kinh nghiệm ảo giác (người lữ khách).
2. Vũng nước, hay ốc đảo vốn có thật trong kinh nghiệm của người lữ khách.
3. Hình ảnh của vũng nước, hay ốc đảo người lữ khách nhìn thấy trong sa mạc chỉ là ảo giác, không có thật.
4. Trong cơn mê muội (vô minh) người lữ khách có thể chạy nhanh đến vũng nước, hay ốc đảo để rồi thất vọng vì hình ảnh đó tan biến hay còn đó mà chạy hoài không tới. Cũng có thể người lữ khách thấy mình đã chạy đến tận vũng nước, gieo mình vào vũng nước và uống lấy những ngụm nước mát lịm, thoả mãn cơn khát điên cuồng, rồi nằm im lặng, nghỉ ngơi hạnh phúc dưới tàn cây râm mát của ốc đảo. Trong khi thực tế, người ấy nằm chết khô dưới ánh mặt trời gay gắt, miệng đầy cát nóng…

Từ trong vĩnh cửu, chúng sinh (các chủ thể) thực hữu trong trạng thái và trong cõi Niết bàn, kinh nghiệm hạnh phúc tuyệt vời của trạng thái và cõi Niết bàn, ví như người lữ khách lúc đang ở quê nhà với vườn cây, ao nước…

Khi chúng sinh phóng tâm về Hư vô (hướng cái tâm tìm kiếm để hiểu biết Hư vô) thì cũng ví như một người mơ thấy mình rời chốn quê nhà đi vào sa mạc (từ cõi Có của Niết bàn vào cõi Không của Hư vô) tưởng rằng mình sẽ tìm thấy những gì khác lạ hơn vườn cây ao nước chốn quê nhà.

Trong sa mạc chẳng có điều mà người lữ khách mong tìm, người lữ khách cứ miệt mài đi tìm cho đến khi rơi vào ảo giác. Thế gian chính là cái ảo giác xuất hiện khi chúng sinh rời xa khỏi thực tại của Niết bàn, phiêu lưu vào thực tại của Hư Vô. Những pháp trong thế gian (các sự vật, sự việc) mà chúng sinh nhìn thấy chỉ là ảo giác, là hình ảnh phản hồi dựa trên kinh nghiệm của cái tâm lúc chúng sinh thực hữu trong trạng thái và cõi Niết bàn. Khi người nằm mơ ra khỏi cơn mơ, lập tức cảnh nắng cháy của sa mạc, cảm giác của cơn khát nước điên cuồng… cũng biến mất, đồng thời người ấy trở về với vũng nước, vườn cây, và chính mình trong thực tế. Hạnh phúc trở lại, đau khổ chấm dứt!

Cái mê trận của Vô Minh bắt đầu khi người nằm mơ thấy mình là lữ khách, rồi lữ khách trong giấc mơ lại nằm mơ thấy mình là lữ khách trong giấc mơ khác, rồi lữ khách trong giấc mơ khác đó, lại nằm mơ thấy mình là một lữ khách trong giấc mơ khác nữa… cứ như vậy, trùng trùng điệp điệp… và người nằm mơ cứ tưởng rằng những gì trong các giấc mơ là thật, những "lữ khách" trong những giấc mơ là chính mình, là "tôi", cái "tôi" đó không có thật, và Phật Thích Ca gọi đó là Vô Ngã!
Các nước Á châu như Trung Quốc và Nhật Bản hay sản xuất ra một loại búp bê rỗng ruột. Bên trong con búp bê này là một con búp bê khác…cùng hình dáng, màu sắc, đặc điểm, chỉ có kích thước là nhỏ hơn mà thôi. Một bộ búp bê như vậy có thể có từ 5 đến 12 búp bê. Những bộ búp bê rỗng ruột này có thể dùng để minh họa cho ý tưởng nêu trên. Người ta có thể làm một bộ búp bê 12 con như vậy với hình dáng của Phật Thích Ca, nhưng chúng không phải là Phật Thích Ca, những con búp bê đó… vô ngã!

Như vậy, trong khi chối từ bản ngã trong mỗi chúng sinh và trong cả vũ trụ, Phật giáo không hề chối từ các chủ thể có thật và vĩnh cửu như: Hư vô, Niết bàn, Tâm, Phật, Chúng sinh, Tứ đại… (Thật ra, khi dùng các danh từ chủ thể, Hư vô, Niết bàn, Tâm, Phật, Chúng sinh, Tứ đại… thì cũng đã chấp ngã rồi!) Trong tư duy của Đức Thích Ca, một chủ thể là một chủ thể, nó có thật, vốn không sanh, không diệt, thường hằng, vĩnh cửu… đối chiếu với sự không có thật, vốn cũng không sanh, không diệt, thường hằng, vĩnh cửu. Một chủ thể như vậy không có bản ngã, không có tên gọi, vượt ngoài nghị luận, chỉ có thể chứng nghiệm qua tư duy, bằng trí tuệ. Cho nên, để trả lời cho các câu hỏi: "Nếu không có Ngã thì "cái gì" đau khổ? "cái gì" suy tư? "cái gì" giác ngộ? "cái gì" nhập Niết Bàn?" một nhà Phật học chân chính chỉ mĩm cười, im lặng; họ gọi là thái độ niêm hoa vi tiếu, bất khả tư nghị. Lý luận như thế chẳng khác gì không lý luận, triết lý như thế chẳng khác gì không triết lý.

C. Giá trị của thuyết Vô Ngã về mặt tôn giáo

Từ khởi thủy, Phật giáo không phải là một tôn giáo theo ý nghĩa đích thực của danh từ tôn giáo, bởi Phật giáo phủ nhận Một Đấng Thần Linh Tuyệt Đối và không hề có các hình thức, nghi lễ thờ phượng, cũng không sùng bái một ai cả. Trong quá trình trôi chảy của dòng triết Phật, hàng trăm, hàng ngàn những dòng chảy của các nguồn triết học, tín ngưỡng (kể cả mê tín dị đoan), và tôn giáo thế tục đã gặp gỡ và hoà nhập vào dòng triết Phật trước khi tách trở ra chảy theo dòng riêng của chúng. Những dòng chảy này đã đem lại nhiều mầu sắc không hề có trong Phật giáo và khi chúng tách trở ra, chảy theo dòng riêng của mình thì chúng đã để lại ảnh hưởng của mình trong triết Phật đồng thời mang theo ảnh hưởng của triết Phật trong chính giáo lý của chúng.

Các môn đồ của Đức Thích Ca và về sau, những người ái mộ Phật pháp, ngày càng tôn giáo hóa triết Phật, đồng thời tùy ý diễn đạt những sự dạy dỗ của Phật Thích Ca, nhiều khi thực hành sai lạc ý nghĩa của Phật pháp, và dung nạp các trào lưu tư tưởng, triết học, tín ngưỡng, tôn giáo khác… mà khiến cho triết Phật biến dạng thành Phật giáo với nhiều tông, nhiều phái như ngày nay.

Nếu xét riêng giá trị của thuyết Vô Ngã về mặt tôn giáo, người viết xin trình bày những nhận định của mình như sau:

1) Thuyết Vô Ngã dù là một cột trụ trong giáo lý của Phật giáo nhưng không phải người tín đồ hoặc tu sĩ Phật giáo nào cũng am tường về thuyết này. Hầu hết các tín đồ Phật giáo tôn thờ Phật Thích Ca như là một vị thần linh tuyệt đối có quyền ban ơn, giáng phúc và cứu họ khỏi những khổ đau, bất hạnh trong cuộc đời. Đại chúng Phật tử tin rằng cứ làm lành, lánh dữ, đi chùa, niệm Phật, tụng kinh… để kiếp này đời sống được an nhàn, sung túc hơn và kiếp sau được đầu thai vào một cảnh sống tốt đẹp hơn còn khi nào đắc đạo thành Phật, thoát vòng sinh tử là điều ít có ai nghĩ đến.

2) Đối với những Phật tử thuần thành và quyết tâm đi tu để đạt sự giải thoát, đa số không quán triệt được ý nghĩa đích thực của Vô Ngã, thì việc chứng nghiệm Vô Ngã để thành Phật là việc quá xa vời. Độc giả có thể vào link sau đây để tham khảo sự hiểu biết về Vô Ngã của một trí thức Phật tử:

http://www.giaodiem.com/doithoai/vonga-tcn.htm

Một số những người đã quán triệt được ý nghĩa đích thực của Vô Ngã thì cố gắng chứng nghiệm lý thuyết ấy qua sự tu tập của mình nhưng vẫn chưa thành đạt. Một số khác cũng quán triệt được ý nghĩa đích thực của Vô Ngã nhưng họ lại không thể áp dụng lý thuyết vào thực tế. Hiểu Vô Ngã là một chuyện nhưng sống Vô Ngã lại là một chuyện khác. Người viết dùng chữ "quán triệt Vô Ngã" ở đây là có ý nói sự hiểu rõ ràng những gì Đức Thích Ca trình bày về Vô Ngã. Chúng ta có thể hiểu rất rõ ràng về những gì một người trình bày nhưng hiểu rõ không có nghĩa là áp dụng được, vì nó không hợp lý. Thí dụ, có người bảo chúng ta: hãy lấy một chén gạo trộn chung với một chén nước, khấy cho đều, một tiếng đồng hồ sau nước và gạo sẽ biến thành cơm. Lời chỉ dẫn ấy ngắn, gọn, dễ hiểu nhưng không bao giờ chúng ta có thể đạt được cơm bằng cách thực hành lời chỉ dẫn ấy, vì nó không hợp lý.

3) Đối với các bậc thức giả khác (không phải là Phật tử hoặc đã giả từ Phật giáo), họ quán triệt được ý nghĩa của thuyết Vô Ngã nhưng họ không chấp nhận thuyết này. Bởi, nói cho cùng thuyết Vô Ngã chỉ là một lý thuyết chưa ai chứng nghiệm được ngoài người lập ra thuyết ấy. Thuyết Vô Ngã, cũng như các triết thuyết khác, không đem lại tác dụng ích lợi gì trên nhu cầu tâm linh của nhân loại. Thuyết Vô Ngã không thật sự dẫn dắt con người đến chỗ được giải phóng tâm linh. Người tin và tu theo thuyết Vô Ngã vẫn bị trói chặt trong vòng vây của tội lỗi, của khổ đau, và vô vọng. Cuộc đời tu tập theo thuyết Vô Ngã của cựu đại đức Thích Huệ Nhật là một thí dụ điển hình. Xin tìm đọc các tác phẩm: "Từ Áo cà-sa đến thập tự giá" và "Ai chết cho ai? Ai sống cho ai?" của Nguyễn Huệ Nhật để nghe ông diễn tả kinh nghiệm tuyệt vời của một người từ bỏ giáo lý đạo Phật để trở về trong Chúa, một người nhận biết mình là một bản ngã riêng biệt, một thực thể hiện hữu ý thức điều lành và điều dữ theo tiêu chuẩn của Đứùc Chúa trời để ăn năn và nhận lấy phước hạnh tràn đầy của Ngài khi ông ta đang sống giữa thế gian.

4) Đối với những người tin Chúa và sống theo Thánh Kinh, lý thuyết Vô Ngã là một ngụy thuyết, sản phẩm của một sự ngụy biện tinh vi, bản thân của thuyết Vô Ngã chính là một ảo giác chứ không phải cuộc đời này, thế gian này, muôn loài vạn vật, trong đó có con người, là những ảo giác. Những người tin nhận Thánh Kinh nhận thức được bản chất ngụy thuyết của triết lý Vô Ngã bởi vì Thánh Kinh bày tỏ sự Hữu Ngã của nhân loại và chỉ ra con đường cứu rỗi cho nhân loại. Con đường cứu rỗi đó, không cần phải qua một quá trình tu tập, không cần phải tự lực giác ngộ… con đường cứu rỗi đó là sự ban cho vô điều kiện của Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa, Đấng Cao Siêu Tuyệt Đối. Một khi con người tiếp nhận sự cứu rỗi ấy, lập tức được giải thoát khỏi gông cùm của tội lỗi và mặc cảm tội lỗi, lập tức tràn ngập bình an, hạnh phúc mà mọi cảnh ngộ trong cuộc đời này không thể nào chi phối. Khi đã nhận được ơn Cứu Rỗi để sống trong bình an hạnh phúc, con người bắt đầu loại bỏ việc ác để thực hiện việc lành bởi sự dẫn dắt của Đứùc Thánh Linh. Loại bỏ việc ác và thựïc hiện việc lành là bông trái hiển nhiên sau khi đã được Ơn Cứu Rỗi chứ không phải là điều kiện phải có để được Ơn Cứu Rỗi. Muốn được Ơn Cứu Rỗi, con người cần ăn năn tội và tiếp nhận Ơn Tha Thứ của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ. Từ đó Đức Thánh Linh sẽ tái sanh người có Đức Tin và soi sáng cho phần tâm linh và trí tuệ của họ để sống với điều lành cùng thông công với những người thực lòng tin nhận Thánh Kinh, giúp họ hiểu được bản ngã đích thực của chính mình, và của chính Đức Chúa Trời Toàn Năng Yêu Thương.

Giống như đứa con hoang đàng trở về ăn năn với người Cha của nó để được Cha tha thứ, dù nó chưa có thời gian để thay đổi hành vi bên ngoài, nhưng nó vẫn được Cha tiếp nhận và ban lại địa vị làm con để nó được thừa hưởng cuộc sống an vui yêu mến trong nhà Cha nó. Khi được sống trong nhà Cha nó, nó vui vẻ bình an và học tập thể hiện điều lành theo sự dắt dẫn và yêu thương của Cha nó. Những điều lành ở đây là kết quả của địa vị làm con mà nó đã tái sở hữu từ tình yêu và lòng tha thứ của Cha nó.

Niết bàn mà Đức Thích Ca mô tả, chính thực là trạng thái và nơi chốn mà người tin nhận Thánh Kinh, tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, chứng nghiệm được ngay trong đời này và vui hưởng cho đến đời đời mà sự chết cũng không thể nào chi phối. Sự chết đối với họ, chẳng qua chỉ là cánh cửa để bước từ thời gian vào trong vĩnh cửu. Nghĩa là một người trở về với Đức Chúa Trời để nhận ơn tha tội, được ơn cứu rỗi, được tái sinh , được thánh hóa, được sống với kinh nghiệm thiêng liêng, được mở mắt tâm linh và bừng thấy hạnh phúc, yêu thương trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ. Người ấy có được một cách cụ thể cuộc sống hạnh phúc hôm nay mà Phật Giáo đã cố gắng mô tả một cách mù mờ bằng các từ ngữ Niết Bàn, Giác Ngộ, Đại Định, Viên Mãn...

Huỳnh Thiên Hồng

No comments: